Một số thuật ngữ và bộ phận của yoyo.

Trong quá trình tìm hiểu về bộ môn yoyo, chắc không ít bạn đã từng khó hiểu, hoặc nhầm lẫn về những thuật ngữ, đôi khi là không hiểu những người chơi khác đang nói về cái gì. Hiện tại cũng chưa có bài viết nào tổng hợp lại những kiến thức này, nên đây cũng là điều mình khá quan ngại.

Vì vậy, mình sẽ giới thiệu cho các bạn về những thuật ngữ cũng như các bộ phận của một con yoyo nói riêng và cả bộ môn này nói chung. Ngoài ra, mình cũng sẽ nói thêm về những thứ đã từng góp mặt vào sự phát triển của yoyo, hầu hết hiện tại không còn dùng và cũng đã bị lãng quên khá lâu rồi. Nhưng biết thêm cũng chẳng mất gì, dù sao, chính những cái đấy cũng đã đặt nền móng cho yoyo hiện đại ngày nay.

Bài này mình lấy nguồn của anh Nguyễn Thành Lễ a.k.a LeDark và một số thông tin từ anh Gaulois đăng trong diễn đàn Yoyo Việt Nam cũ, có chỉnh sửa và update thêm những cái mới ở thời điểm hiện tại.

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CƠ BẢN THƯỜNG DÙNG

· Trick: gọi là chiêu yoyo cũng được =)) cái này thì chắc là ai cũng biết, nhưng người chơi chuyên rồi thì chẳng ai gọi là chiêu cả.

· Division: là thể loại chơi, những cái như 1A, 2A, 3A,.. gì đó đều gọi là division, hoặc div, hoặc thể loại nếu bạn yêu tiếng Việt. Bạn có thể xem thêm thông tin về các thể loại chơi trong bài viết NÀY của mình.

Thật ra thì nhiều bạn cũng gọi là style, nó không sai nhưng cũng không thật sự đúng lắm, vì chữ style sẽ chuẩn hơn trong trường hợp bạn mô tả phong cách chơi của mình thế nào ( speed, flow, steady, ... ), nhưng theo mình tìm hiểu thì cả những thrower trên thế giới cũng không ít người gọi bằng style, nên là tuỳ các bạn vậy.

· Mod: rút gọn từ modification, từ này ám chỉ việc chỉnh sửa lại yoyo. Người chơi lâu năm có lẽ họ sẽ quen thuộc với mod hơn vì ngày xưa mọi thứ không dễ kiếm, dễ thay thế và rẻ như bây giờ. 

Mod có thể từ nhẹ như mod rim ( dùng giấy nhám chà phần rim yoyo ), mod silicone ( dùng silicone phun vào khe pad của yoyo để chữa cháy mỗi khi không có pad chuẩn thay thế ),... cho đến nặng đô hơn như mod raw ( dùng chất tẩy để tẩy sơn cho yoyo, biến yoyo trở lại màu bạc kim loại của nhôm trước khi sơn ), mod ren ( khoan thêm lỗ ở phần ren trong yoyo để tạo thêm răng, thường là để sửa những con yoyo bị lờn phần này ),... và ti tỉ thứ mod đỉnh cao khác mà người chơi hiện tại không mấy khi động đến nữa. 

· Polyester / Cotton: 2 chất liệu chính để làm dây yoyo, thường thì dây hiện tại các bạn dùng là polyester, hoặc ngắn gọn là poly. Dây poly cực kỳ phổ biến, dùng cho mọi thể loại và mọi kiểu chơi vì những điểm mạnh dễ thấy của nó. Cotton thì đặc trưng là rít tay hơn, ma sát cao hơn, trước khi người chơi nhận ra sự tuyệt vời của 100% poly thì hồi đấy họ vẫn dùng dây cotton để chơi. Nhưng cũng vì sự ma sát và bám dính đấy mà nhiều người chơi 2A yêu thích dây cotton. Về sau thì có thêm cả thuật ngữ Noly dùng ám chỉ những dây poly pha thêm nylon.

· Clean ( hoặc clean bearing ): ám chỉ việc rửa bearing của yoyo bằng xăng Zippo. Việc này giúp bearing sạch cặn dầu, bụi bẩn, tăng tuổi thọ và bền hơn. Mình sẽ có bài viết chuyên về việc clean bearing sau.

· Lube: ám chỉ dầu chuyên dụng của yoyo hoặc việc sử dụng dầu chuyên dụng để tra vào bearing yoyo. Mình sẽ nói thêm về cái này trong bài viết về clean bearing.

· Monometal / Bimetal / Trimetal / Tri-material: ám chỉ về chất liệu hoàn thiện của một con yoyo kim loại, ở đây Monometal ( hay Mono ) là yoyo được gia công từ chỉ một loại nguyên liệu duy nhất ( thường là nhôm 6061, 7075, ... ). Bimetal là yoyo được gia công từ 2 loại khác nhau ( thường là thân nhôm và rim SS - Stainless Steel - thép không rỉ ), tương tự với Trimetal. Tuy nhiên hiện nay các hãng yoyo cũng đang áp dụng công nghệ sử dụng thêm nhựa cho những yoyo bimetal, như Miracle của YoyoFactory, Trion Crash của C3YoyoDesign, Onslaught của YoyoRecreation,... những sản phẩm như này gọi chung là Tri-material, ám chỉ yoyo được cấu tạo từ 3 nguyên liệu khác nhau, nhựa không phải là kim loại nên không thể được gọi là Trimetal được.

· Pad: là miếng silicone được đặt bên ngoài bearing seat, có tác dụng tạo ma sát để khi bind, yoyo sẽ giật về tay. Silicone pad hay gọi ngắn bằng pad là một trong nhiều hệ thống thu dây của yoyo hiện tại. Mình sẽ có một bài viết khác giới thiệu chung về hệ thống thu dây sau.

· String: là dây của yoyo.

· Bearing seat: là chỗ đặt bearing.

· Bearing: là trục bi, hoặc bạc đạn. Bộ phận chính cho yoyo xoay. Mở rộng ra hơn thì có bearing CT - viết tắt của Center Trac, KK - KonKave hoặc CC - ConCave, DS - Double Straight, và vân vân,... về bearing mình sẽ có thêm một bài viết chuyên sâu hơn về nó.

· Cap: là bề mặt ngoài của yoyo, có thể tháo ra hay không tùy loại. Nói không thì hơi khó tưởng tượng, các bạn xem hình là biết ngay cap là cái gì thôi. Thường thì YoyoJam là tiên phong trong việc khuyến khích người chơi tháo cap ra để yoyo có ngoại hình thú vị và mới mẻ hơn, hiện tại thì phong trào DNA đang khá thịnh, những con yoyo có thể tháo được cap cũng không nhiều nên giờ ít ai được biết tới cảm giác cầm nút hít kéo cap ra nữa. 

· Gap: là khe giữa 2 mảnh của yoyo.

· Wall: khá khó để giải thích, các bạn xem hình sẽ rõ hơn. Ở thời điểm hiện tại những con yoyo 1A tiêu chuẩn sẽ có thiết kế cho wall không còn cao nữa để tối đa hoá độ rộng của gap.

· Rim: vành ngoài / mép của yoyo, có những con yoyo bằng nhựa nhưng lại sử dụng rim bằng thép, hoặc có những yoyo có rim cao su như Hayabusa SL, hoặc hiện tại là công nghệ ghép rim thép vào thân nhôm ( bimetal ) xuất hiện ở hầu hết những con yoyo bây giờ.

· Weight Ring: là những vòng kim loại hoặc nhựa đúc được gắn vào yoyo để có độ nặng nhất định. Thường thì không tháo ra được. Ở thời điểm hiện tại cũng có những hãng như Turning Point sử dụng chất liệu đồng làm weight ring cho yoyo của họ ( Aster ).

· Axle: Trục chính nối 2 mảnh yoyo lại với nhau, thường có 1 lỗ lục giác nhỏ để có thể dùng Multi Tool / ốc lục giác để vặn ra ( tuy nhiên không phải axle nào cũng có ).

· Counterweight: viết tắt là CW, hay còn gọi là đối trọng ( nhưng không ai gọi là đối trọng cả toàn gọi là cw thôi =)) ), dùng cho thể loại 5A Freehand. Duncan là hãng yoyo đầu tiên tạo ra CW cũng như thể loại 5A, cũng như là tập đoàn nắm bằng sáng chế của CW. 

Hiện nay thì nhiều hãng khác nhau đã có được bản quyền này và tạo ra những CW khác nhau để phù hợp với những tệp khách hàng và những lối chơi riêng biệt của họ. Cải tiến lớn nhất và dễ nhận thấy nhất của CW hiện đại có lẽ là 1 bearing nhỏ bên trong để CW có thể quay một cách độc lập và hạn chế sự xoắn dây / string tension khi chơi.

MỞ RỘNG

Sau đây là những thuật ngữ hoặc bộ phận đã cũ, không còn được sử dụng nhiều trong yoyo hiện đại hoặc không còn quá ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm chơi, các bạn có thể bỏ qua, hoặc đọc tiếp nếu vẫn đủ hứng thú.

· Trans-Axle: đại loại là một cái bearing bằng nhựa hoặc gỗ. Thường thấy ở những con yoyo cổ như Yomega Fireball.

· Fixed-Axle: không biết nên nói thế nào, có thể nôm na là một con yoyo có fixed-axle thì con yoyo đó không thể vặn 2 mảnh yoyo ra được. 

· Spacer: đại loại là một miếng đệm nằm 2 bên bearing, dùng để thay thế cho bearing seat ( thường là cho yoyo 1A ), hoặc điều chỉnh độ rộng gap theo ý muốn ( cho yoyo 2A ). 

Ngày xưa ở 1A, những con yoyo nhựa hay có bearing gắn vào 1 cục lồi ra đúc trực tiếp trên thân con yoyo, điều này khiến mấy con nhựa hồi đấy hay bị nứt trục, tức là bị nứt phần này (chứ k phải nứt cái trục vít = kim loại).

Spacer được thiết kế để khắc phục nhược điểm này, tức là mấu lồi này sẽ được đúc ra thành một bộ phận riêng, thường là bằng kim loại, người ta sẽ bớt 1 khoảng thể tích trên thân con yoyo và chuyển qua spacer, spacer có thể thấy rõ nhất ở mấy con của YYF như Proto Star, Die-Nasty hay Counter Attack,...

Với mấy con đã được thiết kế xài Spacer thì nhất thiết phải có spacer, vì nếu k có thì bearing chả biết gắn vào đâu, và khi vặn lại thì 2 nửa yoyo dính sát vào nhau. 

Nhược điểm của mấy con xài spacer là vì đã bớt 1 phần thể tích của con yoyo để chuyển qua spacer nên thành của con yoyo chỗ gắn vào trục nói chung là khá mỏng, và như đã đề cập ở trên, mất spacer thì coi như vứt luôn yoyo. Nhưng ở thời điểm hiện tại ( 2023 ), yoyo nhựa hiện đại đã được gia công rất tốt rồi nên cũng không còn lý do để sử dụng spacer nữa.  

Ở yoyo 2A thì spacer là những miếng đệm có thể dùng để tăng giảm độ rộng của gap và khối lượng dồn về axle, hình như vậy, những miếng spacer này có thể làm bằng nhựa hoặc kim loại, và có bán lẻ ở ngoài để phục vụ cho nhu cầu nâng cấp / chỉnh sửa theo ý thích người chơi. 

Hiện tại mình chỉ còn thấy dòng Raider của Yomega là sử dụng hệ thống điều chỉnh gap bằng spacer thế này. Những yoyo còn lại hầu hết là cố định, hoặc có thể điều chỉnh trực tiếp trên yoyo như Loop2020 của YoyoFactory.

· Shim: có chức năng gần như spacer nhưng chỉ là bộ phận phụ, có cũng được, không có cũng chả sao, và ( hình như ) đã xài spacer thì không thể xài shim, nhìn trong ảnh thì thấy bự chứ thực tế nó chỉ gắn vừa vào cái mấu lồi của yoyo thôi, có chút xíu và không quan trọng như spacer. Được dùng để tăng thên độ rộng của gap cho những con yoyo có gap nhỏ. Hiện shim không còn được sử dụng nhiều do yoyo đã có thiết kế tối đa độ rộng hơn rất nhiều rồi.

· Hubstacks: hay còn gọi là bearing ngoài ( Side cap bearing - theo Wiki ). Hubstack giúp ta có thể cầm 2 bên hông yoyo quay và làm những trick vui vui. Lần đầu xuất hiện khi những modder ( người mod / chỉnh sửa yoyo ) tên Frank Difeo của Dif-e-Yo tình cờ gắn bearing vào 2 đầu bên hông của yoyo Spike-Fly. Ngày xưa yoyo có hubstack khá hiếm, thường chỉ xuất hiện ở những con yoyo Premium Series của YoyoFactory như Super Star, 888x, ..... sau đó thì nó đã phổ biến ở cả những yoyo tầm trung và tầm giá rẻ. Hiện tại với sự phát triển của lõm fingerspin cũng như DNA, hubstack đã gần như tuyệt chủng.

· Z-Stack: Lần đầu xuất hiện ở Yoyo Factory G5. Giống Hubstack. Nhưng Z-Stack to bè ra và bao cả mặt cap của yoyo, giúp người chơi dễ cầm hơn so với hubstack. Hiện nay Z-Stack cũng chịu chung số phận với hubstack.

· Dice-Stack: hoạt động như Hubstack, nhưng thay vì 1 cục nhựa, Dice-stack là một nửa quả xí ngầu. Không được tặng kèm ở bất cứ yoyo nào, chỉ bán lẻ.

· Synergy: dựa trên ý tưởng Hubstack của YYF, một hệ thống khá đặc biệt được YoyoJam sáng chế và áp dụng trên con yoyo cùng tên. Có thể thấy Synergy là một cái hubstack cỡ bự với một cái bearing cỡ bự bao vòng quanh rim. Như vậy thân yoyo sẽ có khả năng xoay độc lập với bearing bên trong.

Synergy được sản xuất và chỉ bày bán prototype ở WYYC 2008 với số lượng cực kỳ giới hạn. Vì khối lượng của 2 vòng bi so với body của 1 con yoyo nhựa quá chênh lệch nên Synergy không ổn định. Vì vậy, ngoài các bản prototype được bày bán ở WYYC 2008, YYJ đã ngưng sản xuất Synergy đại trà.

· V9 System: Một hệ thống mới lạ được YYF sử dụng trên con yoyo NINE Dragon ra mắt năm 2016. Sử dụng toàn bộ thân yoyo làm trục xoay, nhờ thế yoyo sẽ tiếp tục xoay bất kể bạn chạm vào chỗ nào trên thân yoyo. Người viết sẽ có bài review chi tiết hơn về hệ thống V9 sau.


Đây chưa phải là tất cả, nhưng với những người chơi phổ thông thì mình tin thế này là đủ. Trong tương lai nếu có thêm những thuật ngữ gì khác, mình sẽ cập nhật thêm vào bài viết này.

Cảm ơn các bạn đã đọc.

Nhận xét